Total Pageviews

Oct 2, 2011

"Lấy chồng xa"

Khoảng cách của “lấy chồng xa” đang dần dần được tính không phải chỉ bằng dặm, bằng tỉnh thành, mà bằng quốc gia. Những “gia đình toàn cầu”, “gia đình quốc tế” đang dần trở thành phổ biến: vợ người Việt, chồng ngoại kiều, vợ chồng người Việt nhưng đang định cư ở nước ngoài, cháu chắt dâu rể lập gia đình với người ngoại quốc…
Bên cạnh mảng tối của việc lấy chồng ngoại vì lý do kinh tế, không thể không nói đến một bộ phận những cô gái Việt có trình độ học vấn, có nghề nghiệp ổn định và có khả năng tự chủ về tài chính đang chọn bạn đời không phải là đàn ông Việt.


Không chỉ là “chảy máu nhan sắc…”

Một anh bạn ngoài 40, chủ một doanh nghiệp khá thành đạt, đã than thở như vậy khi được hỏi vì sao đến giờ vẫn chưa lập gia đình. Anh bảo, những cô gái đáp ứng các tiêu chuẩn không mấy khắt khe của anh: bề ngoài tạm được, có học hành hiểu biết, có nghề nghiệp ổn định… đều lần lượt lấy chồng người nước ngoài. Chọn vợ khác với chọn người tình, đẹp mà không học hành, không căn bản thì phá nát sự nghiệp của chồng như chơi, đẹp mà thiếu hiểu biết thì có “tái đào tạo” cỡ nào cũng không thể cùng sóng bước bình đẳng trên đường đời lâu dài được. Vợ không chỉ là người chia sẻ cùng mình góc giường chái bếp. Vậy nên anh ngại ngần trước những đôi mắt nhung mở to ngơ ngác chỉ nhìn thấy nơi anh một dãy số trong tài khoản, xe hơi, nhà lầu và tiệc tùng, quà tặng. Anh bảo: “Ông không biết đấy thôi, Việt Nam đang chảy máu người đẹp, nhất là những người đẹp trí thức. Cái này trăm ngàn lần nguy hiểm, nhất là đối với cánh đàn ông Việt Nam…”

Rồi anh dẫn chứng Thúy Phượng, cô trợ lý cũ của anh. Thúy Phượng không xinh đẹp rực rỡ, không phải là một “chân dài” bốc lửa, nhưng anh đã phải trả cô lương tương đương với 1.000 USD/tháng mới mời cô về được công ty của mình. Thúy Phượng tốt nghiệp đại học Kinh tế, giỏi hai ngoại ngữ Anh và Hoa, có hai năm làm việc cho một tập đoàn sơn nổi tiếng của nước ngoài. Cô ít nói, có gương mặt Á Đông, mắt một mí và khá nghiêm túc trong công việc cũng như trong đời sống cá nhân. Mãi cho đến khi cô gửi thiệp báo tin lập gia đình với một anh chàng người Mỹ, anh mới ngỡ ngàng nhận ra mình đã không nắm bắt cơ hội. Sau đám cưới hai vợ chồng Phượng vẫn ở lại Việt Nam. Dù không còn làm trợ lý cho anh, nhưng thỉnh thoảng gặp cô trong những thương vụ làm ăn khác, anh vẫn thấy nhói lên những tiếc nuối mơ hồ. Giá như…

Thu Dung, một cây bút nữ trẻ nổi đình nổi đám mấy năm về trước, cũng đã chọn bến đậu của đời mình là một chàng người Đức. Họ gặp gỡ nhau trong lần chàng sang Việt Nam thực hiện một nghiên cứu xã hội. Cười cười, cô bảo: “Đàn ông Việt Nam chả ai dám lấy em, nên em mới phải lấy chồng xa thế chứ”. Nhìn vẻ mặt rạng rỡ, tự do và hạnh phúc của cô, thấp thoáng trong đầu tôi những trang viết bạo liệt và nổi loạn của cô về thân phận đàn bà, về tình yêu và tình dục. Hỏi Thu Dung chồng cô có đọc những gì cô viết không, cô cười: “Có chứ anh! Nếu không sao mà hiểu vợ được. Hồi đầu, em dịch cho anh ấy. Sau này, anh ấy tự học tiếng Việt bằng sách của vợ luôn…”.

Cái định kiến “phụ nữ thông minh thì xấu” đã lỗi thời, các cô gái hiện đại có đủ các phương tiện để làm cho mình đẹp lên và giỏi lên. Trong khi cánh đàn ông còn mải mê với bia bọt, với các em váy ngắn trẻ ngoan và ít hỏi, cánh phụ nữ kiên nhẫn làm đẹp và học hỏi, trang bị nghề nghiệp, trang bị ngoại ngữ, nâng cao khả năng kiếm tiền một cách chính đáng bằng năng lực của mình. Đến một lúc nào đó, khu vực “phủ sóng” của các nàng rộng ra, các nàng đã đường hoàng giong buồm ra biển lớn.

Người trong cuộc nói gì?
Trong khi đàn ông Việt khá khó khăn và cũng không mấy hứng thú tìm cho mình một người vợ khác màu da, thì những cuộc hôn nhân chủ động và thực sự hạnh phúc của phụ nữ Việt với người nước ngoài lặng lẽ tăng dần. Phần lớn các phụ nữ có học thức, có nghề nghiệp chủ động lấy chồng ngoại không phải vì lý do kinh tế, không phải vì một quốc tịch nào đó, mà vì họ thực sự chia sẻ được cuộc sống, nghề nghiệp và tìm được sự tôn trọng nơi bạn đời của mình.

Một lần gặp lại Thúy Phượng, anh bạn doanh nghiệp hỏi, nếu ngày ấy anh có ý tiến tới nghiêm túc với cô thì cô có chấp nhận anh không. Phượng cười: “Không!”. Cô thừa biết anh có đến mấy em chân dài lúc nào cũng dập dìu và anh coi đó là chuyện bình thường, thậm chí đáng hãnh diện. Cô thừa biết anh là con trưởng và muốn hay không muốn vợ anh phải đẻ bằng được một thằng cu. Cô thừa biết anh sống chết với công ty của mình và chỉ trở về nhà sau 10 giờ tối, đôi khi say mèm, đôi khi mất hút vào một “tăng ba” nào đó cho đến tận sáng hôm sau. Phượng bảo cô đang sống thoải mái, không phải rình rập xem chồng có mấy số điện thoại, không phải chờ cửa mòn mỏi đến tận nửa đêm để đón một con ma men nồng nặc, rã rượi lết xuống từ một cái tắc xi nào đó, không phải quần quật rửa chén quét nhà giặt giũ một mình, không phải nem nép làm dâu nhà giàu, biết rằng trong con mắt bố mẹ chồng mình không xứng sắc xứng tầm với con trai họ…

Vợ chồng Thu Dung cùng đưa con về thăm bố mẹ vợ hồi tháng trước. Anh chồng vai mang ba lô hành lý nặng trĩu, lỉnh kỉnh túi này túi nọ vai phải vai trái, tay đẩy xe nôi đứa con gái 10 tháng tuổi rất chuyên nghiệp, trong khi cô vợ tung tăng vô tư. Bố vợ mắng: “Mày đoảng, sao không bế con cho chồng, khổ thân nó tay xách nách mang thế kia”. Cô bảo: “Quen rồi mà bố! Anh ấy thích như vậy, con mà làm ngược lại mới là không bình thường đấy bố!”. Thu Dung lấy chồng xa, bố mẹ lo lắng bao nhiêu về cô con gái ngỗ ngược của mình, nhưng hình như đối với chồng cô, chuyện đó chẳng là vấn đề gì đáng kể. Họ tôn trọng sở thích của nhau, kể cả có khi sở thích đó có hơi khác thường. Chồng Thu Dung bảo: “Cô ấy không ngại có con, sinh nở, cô ấy không hút thuốc và uống rượu nhiều như bạn gái cũ của tôi, cô ấy là một người mẹ tuyệt vời. Chúng tôi sống độc lập, việc dọn dẹp nhà cửa là việc chung, tôi rửa chén khi cô ấy chơi với con, tôi chuẩn bị bữa sáng khi cô ấy dậy muộn. Phụ nữ Á Đông dịu dàng và ít đòi hỏi, tôi yêu cô ấy vì tính cách của cô ấy, và tôi tôn trọng vợ tôi…”.

Trông người lại ngẫm đến ta… 

Không thể tránh khỏi những bất cập khi hai cá thể trưởng thành từ hai nền văn hóa khác nhau cùng chia sẻ một cuộc sống chung và nhiều trách nhiệm. Nhưng cùng với sự mở rộng những giới hạn của một “thế giới phẳng”, con người đang học cách yêu thương, chia sẻ với nhau trên cơ sở chấp nhận và tôn trọng sự khác biệt về văn hóa. Khi vượt qua những giới hạn ban đầu, người ta nhận ra mình được nhiều hơn. Khi những khả năng chọn lựa phong phú hơn, người ta thấy mình có thể dễ dàng chọn được cái tốt hơn. Câu chuyện “Chợ chiều nhiều khế ế chanh/ Nhiều con gái tốt nên anh chàng ràng” đang bị đảo ngược, trong đó tình trạng “ế” không thuộc về chị em nữa.

Một anh bạn Việt kiều, về thăm quê sau gần 30 năm sống ở xứ người, đã tâm sự thật lòng: “Có đi ra rồi mới thấy phụ nữ Việt Nam tốt, rất tốt, mà lại chịu nhiều thiệt thòi quá. Sự chịu đựng lâu dài, chịu đựng bền bỉ mới tội nghiệp…”. Có phải vì chúng ta đã quen với những định kiến theo kiểu đàn bà thì phải vậy, đó là việc đàn bà… nên không nhận ra sự thiệt thòi, sự hy sinh của những người chị, người em, người vợ quanh mình? Có phải chính bản thân chị em cũng chìm trong những định kiến ấy, đến nỗi khổ mà không biết rằng mình khổ, cam chịu an phận, cho dù ngoài kia bao nhiêu đổi thay? Và có phải khi lặng yên thụ hưởng những an phận, tảo tần của những người phụ nữ quanh mình, chúng ta đã phạm một lỗi lớn?

Ngẫm đi ngẫm lại mới thấy, sẽ nguy hiểm vô cùng nếu một ngày nào đó, việc lấy chồng ngoại trở thành một “lối thoát” không chỉ cho những ai thiếu thốn vật chất…

(Phụ nữ Chủ Nhật 22/5/2011)

No comments:

Post a Comment